Microsoft đã tiến hành cập nhật Windows 11 rộng rãi đến người dùng laptop. Tỉ lệ máy tính cập nhật hệ điều hành mới nhất từ “gã khổng lồ phần mềm” ngày càng tăng cao khoảng thời gian cuối năm 2021 và dự đoán sẽ còn tăng cao trong năm 2022.
Windows 11 vs Windows 10. Hệ điều hành nào sẽ chiến thắng?
Tuy có nhiều cải tiến về hiệu năng, giao diện, nhưng nhiều người dùng vẫn e ngại và chọn ở lại Windows 10 trong thời gian tới. Cùng bài viết so sánh và tìm hiểu xem liệu hệ điều hành nào sẽ chiến thắng dựa trên 4 tiêu chí dưới đây nhé!
1. Giao diện
1.1. Giao diện Windows 10
Giao diện Windows 10 là kết tinh từ giao diện Metro của Windows 8 và smartphone Windows Phone kết hợp cùng Start Menu quen thuộc từ Windows 7. Sau thất bại của Start menu “thảm họa” trên Windows 8, Microsoft đã quyết định mang lại sự kết hợp này và đến nay nó vẫn làm người dùng hài lòng.
Bên cạnh giao diện Start menu dễ sử dụng, Windows 10 vẫn giữ thanh taskbar theo kiểu truyền thống đã có từ Windows 7, 8 nhưng cải tiến hơn, hiện đại hơn và mượt mà hơn hệ điều hành tiền nhiệm. Người dùng có thể dễ dàng thay đổi vị trí thanh taskbar sang góc trái, phải, trên, dưới theo ý thích.
Người dùng cũng có thể dễ dàng tùy biến màu sắc hệ thống – Accend Color với nhiều màu sắc khác nhau cực kỳ đa dạng. Tuy nhiên Windows 10 vẫn bị cho là kém hiệu quả trong việc quản lý nhiều màn hình desktop ảo do giao diện chưa trực quan.
1.2. Giao diện Windows 11
Windows 11 được Microsoft “cải tổ” hoàn toàn giao diện với thanh taskbar được căn chỉnh giữa màn hình ở góc bên dưới. Thiết kế này làm nhiều người liên tưởng đến hệ điều hành MacOS nhưng thật chất nếu nhìn kĩ bạn sẽ thấy Microsoft đi theo hướng của ChromeOS hơn. Bản thân Microsoft cũng đang làm nhiều thứ để cạnh tranh với ChromeOS hơn là MacOS vì hệ điều hành mới nổi từ Google đang dần chiếm thị phần của hãng, nhất là trong lĩnh vực máy tính giá rẻ, máy tính dành cho giáo dục, văn phòng nhẹ nhàng.
Start Menu của Windows được đưa về truyền thống như Windows 7 với giao diện là những biểu tượng được người dùng “ghim” vào yêu thích. Menu Start này gọn gàng hơn rất nhiều so với những ô vuông rải rác trên Windows 10. Tuy nhiên điểm trừ cực lớn trên giao diện Windows 11 chính là thanh taskbar giờ đây đã trở nên “cứng như đá” – không thể di dời, người dùng không có cách nào để di chuyển thanh taskbar này sang trái, phải như ý muốn nữa mà phải dùng các phần mềm bên thứ ba hoặc can thiệp vào registry hệ thống rất nguy hiểm, dễ ảnh hưởng đến hệ điều hành, có thể gây lỗi, thanh taskbar này thậm chí cũng không thể thu nhỏ, tính năng kéo thả file cũng đã bị Microsoft loại bỏ một cách khó hiểu. Windows 11 đã hỗ trợ cảm ứng tốt hơn nhưng các ứng dụng bên thứ ba thì không đáp ứng tốt yếu tố cảm ứng mà thiên về sử dụng chuột bàn phím truyền thống hơn.
Bên cạnh việc thay đổi vị trí ra chính giữa và rút gọn Start menu, giao diện Windows 11 đến hiện tại vẫn không có gì đặc biệt hơn khi so với Windows 10, người dùng vẫn chọn giao diện Windows 10 bởi sự quen thuộc, độ tùy biến cao hơn.
Hệ điều hành chiến thắng: Windows 10
2. Hiệu năng
2.1. Hiệu năng Windows 10
Đã 6 năm kể từ khi Microsoft chính thức phát hành phiên bản Windows 10 đầu tiên, các hãng sản xuất phần cứng lẫn phần mềm đã có một quãng thời gian dài để tối ưu sản phẩm của họ. Hiệu năng của Windows 10 cũng dần ổn định theo thời gian và hiện tại đây chính là phiên bản hệ điều hành có hiệu năng ổn định cao nhất.
Bản thân phần mềm driver hệ thống từ các nhà sản xuất cũng cải thiện nhiều và khắc phục hầu hết các lỗi vặt nên hiệu năng của card đồ họa, ổ cứng, màn hình, âm thanh trên Windows 10 cực kỳ “nuột nà”, tiệm cận với sự hoàn hảo.
2.2. Hiệu năng Windows 11
Mặc dù được cho là phiên bản Windows 10 khoác lên một lớp áo mới và đổi tên, tuy nhiên Windows 11 lại rất khác và gặp rắc rối với vấn đề tương thích phần cứng lẫn phần mềm ngay từ khi phát hành. Nhiều báo cáo cho thấy hệ điều hành Windows 11 gặp rắc rối với các CPU AMD Ryzen và gặp lỗi làm chậm các ổ SSD khiến hiệu năng của các laptop chạy Windows 11 bị sụt giảm.
Giao diện mới nhiều hiệu ứng của Windows 11 mặc dù được hãng cam kết là nhẹ nhàng, mượt mà nhưng vẫn gây tụt giảm hiệu năng đối với các máy tính có cấu hình yếu, đặc biệt là những máy tính phục vụ học tập, văn phòng nhẹ nhàng sẽ bị giảm sức mạnh đáng kể.
Ngay cả đối với việc chơi game, mặc dù được quảng cáo sẽ tăng hiệu năng chơi game với chế độ Game mode, nhưng ghi nhận từ người dùng ban đầu các máy tính chạy Windows 11 vẫn gặp hiện tượng sụt giảm khung hình đáng kể, đặc biệt là cùng một tựa game trên cùng một cấu hình, Windows 11 rõ ràng vẫn chưa vượt qua Windows 10 về sức mạnh xử lý, tuy nhiên chúng ta có thể hy vọng Microsoft sẽ khắc phục vấn đề này qua những bản cập sắp tới. Còn ở thời điểm hiện tại, Windows 10 vẫn là lựa chọn xứng đáng hơn.
Hệ điều hành chiến thắng: Windows 10
3. Phần mềm tương thích
Nhiều phần mềm từ các bên thứ ba vẫn còn gặp rắc rối tương thích với hệ điều hành Windows 11, đặc biệt là các phần mềm hệ thống. Ví dụ như phần mềm Lenovo Vantage từ nhà sản xuất laptop Lenovo, trên Windows 10, phần mềm này sẽ tận dụng thanh taskbar để hiển thị phần trăm pin cũng như điều khiển nhanh thành phần hệ thống như bàn phím, tốc độ quạt, mức độ sử dụng pin,… Trên Windows 11, phần mềm này vẫn chưa được cập nhật mới và bị vô hiệu hóa hoàn toàn bởi thanh taskbar của Windows 11 sử dụng ngôn ngữ thiết kế mới. Tất nhiên các nhà sản xuất sẽ cập nhật phần mềm của mình để tương thích tốt với Windows 11 nhưng ở thời điểm hiện tại người dùng vẫn phải chờ đợi mà thôi.
Một số phần mềm bên thứ ba như Spotify, Facebook Messenger vẫn không thể tận dụng hiệu ứng mới trên Windows 11, các thao tác đóng mở ứng dụng vẫn còn thô cứng và chưa “khít” hoàn toàn khi sử dụng toàn màn hình – điển hình là ứng dụng Spotify. Chính vì vậy, Windows 10 hiện tại vẫn là lựa chọn tốt nhất nếu người dùng thường xuyên phải dùng nhiều phần mềm quen thuộc phục vụ công việc và không muốn gặp rắc rối với vấn đề tương thích.
Hệ điều hành chiến thắng: Windows 10
4. Bảo mật
Microsoft đặc biệt chú trọng đến yếu tố bảo mật trên Windows 11. Hệ thống sẽ cho phép người dùng quản lý các ứng dụng theo dõi vị trí, các ứng dụng đang sử dụng camera hoặc micro trên laptop một cách trực quan bằng một icon thông báo nhỏ dưới thanh taskbar phong cách mới. Kết hợp với Smartscreen của Windows Security trên Windows 11, hệ điều hành sẽ phát hiện ngay lập tức các ứng dụng độc hại có ý định đánh cắp thông tin của người dùng.
Windows 10 cũng sẽ chỉ được Microsoft hỗ trợ đến năm 2025, hãng sẽ cập nhật bảo mật kéo dài cho người dùng doanh nghiệp trên các hệ thống đặc thù, tuy nhiên người dùng phổ thông sẽ không còn được hỗ trợ sau thời gian này. Chính vì vậy, Windows 11 chính là người chiến thắng trong cuộc chiến bảo mật.
Hệ điều hành chiến thắng: Windows 11
5. Hệ điều hành chiến thắng cuối cùng
Với điểm số 3/4 áp đảo, Windows 10 chính là phiên bản phù hợp nhất hiện tại, dù vậy Windows 11 vẫn sẽ là tương lai, nhưng đó là khi Microsoft cùng các nhà sản xuất hoàn thiện hệ điều hành này hơn để tránh các lỗi phát sinh và tăng tính tương thích phần cứng lẫn phần mềm. Còn hiện tại, bạn đừng quá lo lắng khi vẫn còn sử dụng Windows 10 nhé, đây vẫn là một hệ điều hành tuyệt vời! Cùng để lại bình luận của bạn bên dưới bài viết về hai hệ điều hành này nhé!
Xem thêm:
- Hướng dẫn đón Giáng Sinh online cùng Google trên laptop cực độc đáo
- Top 7 phần mềm miễn phí tiện lợi dành cho laptop chơi game
- “Đập đi xây lại” – Microsoft Edge đang dần trở thành trình duyệt được người dùng yêu thích
- Hướng dẫn cách tải CH Play cho iPhone chi tiết nhất từ A đến Z
Di Động Việt