Chrome OS – Hệ điều hành được phát triển bởi gã khổng lồ tìm kiếm Google vẫn còn là cái tên xa lạ đối với phần đông người dùng laptop, đặc biệt là tại Việt Nam, nơi mà các máy tính Windows 11 và Mac OS đang chiếm thị phần rất lớn.
1. Chrome OS là hệ điều hành như thế nào?
Để tìm hiểu về Chrome OS, chúng ta hãy cùng bài viết phân tích chi tiết hệ điều hành mới lạ này nhé.
1.1. Chrome OS là gì?
Chrome OS là hệ điều hành được phát triển bởi gã khổng lồ tìm kiếm Google dựa trên nhân Chromium. Điều thú vị ở đây chính là phần nhân của hệ điều hành này dựa hoàn toàn trên trình duyệt Google Chrome.
Chrome OS chủ yếu dành cho các laptop có cấu hình thấp hoặc trung bình, vẫn có một số mẫu Chromebook (tên gọi các laptop chạy Chrome OS) cao cấp nhưng số lượng các máy này không nhiều như những model giá rẻ.
1.2. Chrome OS hoạt động như thế nào?
Bạn có đang dùng Google Chrome cho công việc hàng này? Chrome OS thật chất có giao diện chính không khác gì Google Chrome cả, ngoại trừ phần menu khởi động và màn hình desktop bên ngoài.
Mọi hoạt động trên Chrome OS đều diễn ra trên đám mây dựa trên Google Chrome tích hợp. Từ soạn thảo văn bản, ứng dụng máy tính, bảng tính, trình diễn slide, cùng nhiều ứng dụng khác đều cần có Internet để hoạt động, thật chất ứng dụng trên Chrome OS chính là các web app, những ứng dụng nền tảng web vốn đang rất phổ biến hiện nay.
Vậy nếu bạn đang ở những nơi không có mạng Internet thì sao? Chrome OS vẫn cho phép người dùng lưu trữ 1 phần dữ liệu offline vào ổ cứng để truy cập khi cần thiết, khi bạn kết nối trở lại với mạng Internet, các dữ liệu này sẽ ngay lập tức đồng bộ với tài khoản Google.
Chrome OS được tùy biến lại từ một phần nhân linux nên qua một số bản cập nhật lớn, Google cũng đã cho phép người dùng chạy linux trên các máy Chromebook.
1.3. Chrome OS dành cho những ai?
Nếu bạn làm phần lớn công việc của mình trên trình duyệt Web thì Chrome OS chính là trình duyệt dành cho bạn: Từ soạn thảo văn bản, bảng tính với Google Docs, duyệt và soạn email với Gmail, nghe nhạc, xem phim qua Spotify, Youtube hệ điều hành này đều đáp ứng tốt.
Chrome OS cũng vô cùng phù hợp với môi trường giáo dục cùng nền tảng Workspace của Google giúp giáo viên và học sinh, sinh viên tương tác với nhau tốt hơn.
Tuy nhiên nếu bạn là người làm về đồ hoạ, kỹ thuật hoặc lập trình viên thì Chrome OS cùng Chromebook có lẽ không phải là lựa chọn phù hợp.
1.4. Ưu điểm của Chrome OS
- Gọn nhẹ, không yêu cầu cấu hình cao
- Giao diện quen thuộc với người dùng Google Chrome
- Hoạt động trên nền tảng đám mây, không cần cài đặt ứng dụng phức tạp
- Hỗ trợ chạy Linux
- Hỗ trợ cài thêm các ứng dụng từ Android
- Hỗ trợ làm việc offline trong một số tình huống (tuỳ ứng dụng)
- Tích hợp sẵn với các dịch vụ phổ biến của Google: Tìm kiếm, Gmail, Photos, Drive,…
- Hỗ trợ cảm ứng – hoạt động như máy tính bảng
- Ít gặp nguy cơ bảo mật hơn do dữ liệu chứa trên máy chủ Google
- Kết nối nhanh với các điện thoại Android
1.5. Nhược điểm của Chrome OS
- Không hỗ trợ cài đặt các ứng dụng ngoài Web Store
- Không hỗ trợ tốt gaming (trong tương lai Chrome OS sẽ hỗ trợ Steam nhưng vẫn còn nhiều giới hạn)
- Một số ứng dụng sẽ không thể làm việc khi không có Internet
- Phụ thuộc vào dịch vụ của Google
- Ổ cứng dung lượng thấp do dữ liệu chủ yếu lưu trữ trên máy chủ
- Thiếu các app chuyên nghiệp như Photoshop, AutoCAD, AI, Premier,…
2. Thật ra Windows 11 khá giống với Chrome OS!
Khi hệ điều hành Windows 11 của Microsoft ra mắt, nhiều người dùng cho rằng hệ điều hành mới của gã khổng lồ phần mềm quá giống với Mac OS của Apple. Tuy nhiên thực tế Windows 11 lại có phần nhiều lấy cảm hứng từ Google Chrome OS.
Microsoft đã sớm coi Chrome OS là đối thủ trực tiếp của họ những năm gần đây thay vì Mac OS, bởi những chiếc Chromebook giá rẻ đã len lỏi vào môi trường giáo dục thay cho máy tính Windows vì chi phí rẻ hơn, lại vô cùng hữu dụng đối với học sinh sinh viên khi có sẵn trình duyệt Chrome, Gmail, Google Drive, Google Docs…
Cải tiến thanh taskbar hỗ trợ cảm ứng, start menu tập trung, giao diện hỗ trợ cảm ứng lẫn bàn phím tốt hơn, có thể nói chính Chrome OS đã thúc đẩy Microsoft cải tiến Windows 11 như hiện tại và có nhiều thông tin cho thấy ở thế hệ Windows 12 tiếp theo Microsoft sẽ đưa nền tảng Windows thành hệ điều hành đám mây hoàn toàn như Chrome OS thông qua nền tảng đám mây Azure của riêng hãng.
3. Chrome OS mở ra tương lai cho những chiếc laptop giá rẻ
Microsoft đã từng thất bại với các dòng Netbook thời điểm những năm 2010, những chiếc máy tính giá rẻ khi đó chưa có một hệ điều hành gọn nhẹ phù hợp.
Chrome OS ngược lại lại rất thành công với những chiếc Chromebook giá rẻ khi hệ điều hành này vốn không yêu cầu quá nhiều tài nguyên phần cứng. Chính Microsoft cũng đã bắt đầu “tái khởi động” chiến dịch máy tính giá rẻ cho môi trường giáo dục khi ra mắt những chiếc máy tính Surface giá rẻ chạy Windows 11 phiên bản rút gọn: Gọi là Windows 11 SE.
Việc có thêm đối thủ cạnh tranh như Chrome OS đã thúc đẩy “ông lớn” như Microsoft phải thay đổi và có thể cả Apple cũng sẽ tham gia vào cuộc cạnh tranh đầy hấp dẫn này, nơi mà người dùng là những người được hưởng lợi ích lớn nhất.
4. Tổng kết
Hy vọng bài viết đã giúp bạn nắm được phần nào các thông tin tổng quát về hệ điều hành Chrome OS của Google, mặc dù vẫn còn khá mới mẻ nhưng đây là một hệ điều hành vô cùng hứa hẹn trong tương lai.
Đừng quên để lại bình luận của bạn bên dưới bài viết và theo dõi chuyên mục Tin tức Di Động Việt để được cập nhật tin công nghệ mới mỗi ngày nhé.
Nguồn tham khảo: Android Central
Xem thêm:
- Google đã giới thiệu những gì tại sự kiện thường niên IO 2022 tuần qua?
- Google Dịch có thêm 24 ngôn ngữ mới. Ứng dụng bản đồ của Google sẽ thân hiện hơn với môi trường
- Google Chrome trên smartphone Android được thử nghiệm giao diện thanh địa chỉ tùy biến mới
- 5 Widgets “chính chủ” Google mà bạn nên thử trên Android 12
Di Động Việt