Cặp True wireless Airpods Pro đã chính thức được ra mắt với tính năng chống ồn chủ động. Đồng thời với 1 số người thì thiết kế in-ear mới cũng thoải mái hơn và chắc chắn hơn. Thậm chí, cặp tai nghe mới này còn có thể là thứ vũ khí nhằm lôi kéo thêm người dùng iPhone.
Airpods Pro cũng mang mức giá mới, đắt đỏ hơn nhiều so với mức giá khởi điểm của Airpods 2 năm 2018. Thậm chí, mức giá của Airpods Pro còn vượt qua Powerbeats Pro. Tuy vậy, giá cao hơn thì bạn cũng sẽ nhận được nhiều thứ hơn từ Airpods Pro. Dễ thấy nhất là Apple đã thiết kế lại toàn bộ Airpods và đồng thời thêm vào tính năng chống ồn chủ động hấp dẫn mà những mẫu tai nghe khác cùng phân khúc đã sở hữu. Vậy chúng ta hãy thử xem cặp Airpods Pro mới có gì đằng sau mức giá đó nhé.
Thiết lập ban đầu
Tương tự như những thiết bị khác của Apple, Airpods Pro lập tức kết nối với iPhone hoặc iPad ngay khi mở hộp. Nhưng lần này, bạn phải đảm bảo rằng iPhone của bạn đã được cập nhật iOS 13.2, đơn giản là vì phiên bản iOS trước sẽ không nhận ra Airpods Pro. Khi đã được kích hoạt, Airpods Pro sẽ tự động kết nối với iPhone của bạn và tất cả những thiết bị dùng chung tài khoản iCloud. Nhờ vậy, bạn sẽ không cần kết nối lại Airpods Pro với các thiết bị khác của mình nữa.
Sau khi ghép nối thành công, Airpods Pro sẽ thử nghiệm xem phần đệm tai mà bạn chọn có đủ kín hay không. Bài kiêm tra này được thực hiện bằng cách phát 1 đoạn nhạc ngắn và micro bên trong Airpods Pro sẽ nghe lại đoạn nhạc này. Nhờ vào thông tin có được, máy sẽ phân tích xem có gì không đúng với phần âm sắc không. Nếu có gì sai thì là do đệm tai được chọn chưa đủ kín để tạo ra âm chuẩn.
Thiết kế và sử dụng
Điểm đầu tiên mà bạn nhận ra là Airpods Pro rất nhẹ, nhẹ đến mức bạn có thể quên rằng đang đeo nó trên tai. Mặc dù trọng lượng nhẹ sẽ là điểm cộng khi so về sự thoải mái, nhưng hãy thử nghĩ trường hợp bạn lỡ làm rơi mất 1 bên và bạn còn chẳng nhận ra được điều đó thì sao. Có lẽ bạn cũng sẽ ít cần phải lo điều này hơn khi mà thực tế, trong quá trình hoạt động như chạy bộ hay chơi thể thao, Airpods Pro cũng rất khó rơi ra khỏi tai của bạn. Tuy vậy, nhẹ quá mà không cảm thấy thì chắc bạn phải bật nhạc liên tục, chứ nếu tắt nhạc đi thì có khi nó rớt rồi mà bạn cũng không biết.
Vì Airpods Pro ngắn hơn so với các thế hệ Airpods trước, nên bạn cũng sẽ không có được thao tác cảm ứng tương tự. Thay vào đó, bạn sẽ có 1 rãnh chứa cảm biến nhạy lực mà bạn sẽ bóp để tạo ra những thao tác khác nhau. Bóp nhanh để tạm dừng nhạc, bóp 1 cái để bỏ qua bài,… Nhưng có lẽ quan trọng nhất là nó cũng có thể được dùng để điểu khiển tính năng chống ồn chủ động và tính năng tranparancy.
Ban đầu thì những thao tác này sẽ khó làm quen, nhưng chỉ 1 thời gian, nó sẽ trở thành thói quen. Tuy vậy, vì kích thước nhỏ nên đôi khi bạn sẽ có cảm giác tai nghe bị tuột ra khi siết. Không như trên iPhone, cảm biến này sẽ không tạo ra phản hồi rung, mà chỉ có phản hồi âm thanh khi bạn siết. Bạn đồng thời cũng có thể đặt lệnh khác cho từng thao tác tùy vào sở thích.
Apple vẫn chưa làm 1 thao tác cảm ứng hay phím nào để tăng giảm âm lượng cả. Bạn vẫn phải ra lệnh cho siri, hoặc là phải lấy iPhone ra. Để thay đổi giữa các đệm tai thì Apple cũng làm lạ hơn so với những hãng khác. Thay vì bạn có 1 đệm silicon và bạn phải kéo dãn nó cho bao quanh phần tai, thì với Airpods Pro, bạn chỉ cần ấn vào và bạn sẽ nghe thấy 1 tiếng click là xong.
Mặc dù điều này làm nổi bật tính cao cấp của Airpods Pro và giúp cho tai nghe có kích thước gọn hơn. Nhưng nó cũng đồng nghĩa là bạn sẽ không thể sử dụng đệm tai của bất cứ bên nào khác, ngoại trừ cả Apple. Và hiện tại, chúng ta vẫn chưa biết giá của 1 bộ đệm tai nếu mua lẻ là bao nhiêu. Nhưng dựa vào việc nó đi kèm với Airpods Pro thì chắc chắn sẽ không rẻ.
Phần đệm tai cũng cần phải dùng lực để tháo ra và nó khá cứng. Nhìn vào mức giá đắt đỏ của Airpods Pro thì việc nạy đệm tai ra có phần hơi ghê tay. Nhưng khi đã quen rồi thì bạn sẽ có thể thay thế đệm tai rất dễ dàng và nhanh chóng. Tuy vậy, thay thế đệm tai không phải là việc bạn cần thực hiện thường xuyên. Thậm chí bạn chỉ cần thực hiện 1 lần khi lấy tai nghe ra khỏi hộp thôi.
Airpods Pro được trang bị cảm biến tiệm cận và 1 gia tốc kế. Vì vậy, nó sẽ có tính năng nhận diện tương đương như thế hệ Airpods trước. Nhạc sẽ tự động bật khi bạn đeo lên tai, và sẽ tự động tắt khi bạn tháo tai nghe xuống. Sản phẩm của Apple vẫn là sản phẩm của Apple – nó mang thiết kế gây tranh cãi, nhưng vẫn rất đẹp, độc đáo và đặc biệt là rất tiện dụng, đúng chất Apple.
Chất âm và chống ồn chủ động
Với mức giá cao, thì chất âm của Airpods Pro không thể nào “tạm ổn” được nữa. Các thế hệ trước có chất âm nghe tạm được và phù hợp với mọi người. Nhưng mức giá của Airpods Pro cho thấy Apple đang cạnh tranh với những ông lớn âm thanh, vì vậy chất âm của tai nghe cũng phải tương đương. Và với tính năng Adaptive EQ mới – Airpods Pro tự điều chỉnh âm sắc cho phù hợp với người nghe thì Apple đã chứng minh giá trị đằng sau mức giá khủng của Airpods Pro.
Dải âm trung và cao của Airpods Pro rất chi tiết và trong, còn dải âm trầm cũng rất sâu. Khi bật âm lượng cao, âm thanh mà Airpods Pro phát ra cũng không bị biến dạng – đúng chất cao cấp. Một phần dẫn đến chất âm tốt đó là nhờ vào chống ồn chủ động. Airpods Pro sử dụng 2 microphone kết hợp với phần mềm để liên tục chống ồn đáp ứng ở từng bên tai. Tính năng này giúp loại bỏ tiếng ồn nền, mang lại trải nghiệm chống ổn cao cấp, tùy chỉnh một cách độc đáo, cho phép người dùng tập trung hơn vào những thứ họ nghe, có thể là nhạc hoặc điện thoại.
Chi tiết hơn, một microphone đầu tiên được đặt hướng ra phía ngoài với nhiệm vụ xác định âm thanh bên ngoài, phân tích tiếng ồn môi trường. AirPods Pro sẽ tạo ra một phản âm tương đương để triệt tiêu tiếng ồn trong nền trước khi nó đi tới tai của người nghe. Một microphone thứ 2 hướng vào trong sẽ liên tục “nghe” hướng vào tai và giúp AirPods Pro triệt tiêu tiếng ồn còn sót lại. Apple nói tính năng chống ồn chủ động sẽ liên tục đáp ứng và xử lý tín hiệu âm thanh với tốc độ 200 lần / giây.
Chế độ Tranparancy
Tất nhiên, bạn không thể nghe nhạc suốt mọi lúc được, và sẽ rất bất tiện nếu bạn phải tháo ta nghe ra mỗi lần muốn nghe gì đó, vậy Apple tích hợp thêm tính năng Tranparancy. Chế độ Transparency cho phép người dùng có thể vừa nghe được nhạc nhưng vẫn có thể nghe được âm thanh cần nghe từ môi trường xung quanh, bao gồm cả tiếng phương tiện giao thông khi đang chạy bộ hoặc các thông báo quan trọng tại ga tàu, sân bay. Bằng cách sử dụng hệ thống ven điều áp và phần mềm tiên tiến, AirPods Pro sẽ tự điều chỉnh các mức độ chống ồn một cách vừa đủ, và chế độ Transparency đảm bảo rằng người dùng có thể vừa nghe nhạc một cách hoàn hảo.
Tranparancy được chăm chút rất kĩ, âm thanh môi trường sẽ hiện ra từ từ khi bật chế độ này lên tránh hiện tượng 1 loạt tạp âm dồn vào 1 lần. Thậm chí, chế độ này cũng sẽ không tắt nhạc đang bật, bạn vẫn có thể nói chuyện trong khi đang nghe nhạc, tất nhiên sẽ rất khó nghe nếu bạn đang để âm lượng tối đa.
Pin của Airpods Pro vẫn như các thế hệ trước – vẫn rất ấn tượng. Bạn có 5 tiếng nghe nhạc liên tục trên mỗi tai, 4,5 tiếng nếu sử dụng chống ồn chủ động. Và kết hợp với hộp sạc sẽ cho ra tổng cộng 24 tiếng nghe nhạc liên tục. Thêm vào đó, vơi 5p sạc, bạn sẽ có thêm 1 tiếng nghe nhạc dành cho trường hợp đang cần gấp. Lần này Apple đi kèm Airpods Pro 1 cọng cáp USB-C to lightning, vậy nếu bạn sử dụng củ sạc USB-A thông thường thì có lẽ bạn phải cần mua thêm 1 củ sạc mới.
Tổng kết nhanh
Airpods Pro đã phần nào chứng minh được danh xưng Pro của mình có giá trị. Chất âm được cải thiện rất nhiều so với các thế hệ Airpods trước, tính năng chống ồn chủ động, tranparancy và cả Adptive EQ hoạt động hoàn hảo. Kèm theo đó, thiết kế độc đáo với trọng lượng nhẹ sẽ cho bạn những trải nghiệm rất khác biệt. Tuy vậy, Airpods Pro vẫn chưa thực sự hoàn hảo, thao tác điều khiển của nó không tốt bằng thế hệ trước, thêm vào đó, mức giá cao sẽ khiến cặp true wireless này khó tiếp cận với người dùng hơn. Nhưng xét cho cùng thì Airpods Pro vẫn rất đáng trải nghiệm, nhất là đối với fan của Apple.
Di Động Việt