Canonical, công ty phát hành bản distro Ubuntu linux mới đây đã công bố bản cập nhật số hiệu 22.10 mới mang tên mã Kinetic Kudu với nhiều thay đổi lớn về giao diện cũng như tăng hiệu suất làm việc, bảo mật của phiên bản Linux này. Chúng ta hãy cùng bài viết tìm hiểu chi tiết nhé.
1. Ubuntu Linux 22.10 chính thức ra mắt
Kinetic Kudu (tên mã của phiên bản Ubuntu 22.10) chính là phiên bản cập nhật thường niên 6 tháng một lần mới nhất của Ubuntu Linux. Khác với bản long-term support (LTS) thường được duy trì cố định giao diện cũ đến hai năm để phục vụ cho khách hàng doanh nghiệp, phiên bản Ubuntu thông thường sẽ luôn được cập nhật mới với nhiều tính năng vô cùng hấp dẫn.
2. Những thay đổi mới trên Ubuntu Linux 22.10
Như đã đề cập ở trên, so với bản LTS 22.04 chỉ duy trì cập nhật bảo mật thì phiên bản thường niên 22.10 sẽ có vòng đời 6 tháng, đây sẽ là phiên bản luôn được cập nhật những tính năng mới nhất, giao diện đẹp nhất. Những thay đổi cụ thể đó là gì, chúng ta tiếp tục cùng bài viết tìm hiểu bên dưới nhé.
2.1. Gnome 43
Bản cập nhật Ubuntu mới Kinetic Kudu vẫn sử dụng trình cài đặt Ubiquity, đây là trình cài đặt Ubuntu đơn giản được Canonical dùng suốt 15 năm qua. Quá trình cài đặt diễn ra khá nhanh chóng, trong vòng 30 phút đối với máy PC cấu hình tầm trung.
Ubuntu 22.10 sử dụng môi trường desktop Gnome quen thuộc phiên bản Gnome 43. Giao diện của phiên bản linux mới vẫn giữ nguyên các yếu tố quen thuộc như thanh dock bên trái màn hình, thanh trạng thái trên cùng, màn hình desktop cùng giao diện đen cam chủ đạo.
Mặc dù nhìn ban đầu Ubuntu Linux 22.10 không có gì đổi mới nhưng thực chất giao diện của phiên bản này được cải tiến rất nhiều yếu tố hấp dẫn mà các hệ điều hành khác nên học hỏi.
2.2. Quick Toggle mới
Quick Toggle có thể hiểu đơn giản là cụm chức năng thiết lập nhanh các trạng thái của hệ thống như Wi-Fi, Bluetooth, Màn hình đêm, cách sử dụng pin, Dark mode/Light mode,…
Ubuntu 22.10 đã gộp cụm chức năng này lại vào một khung bo tròn khá nhẹ nhàng và đẹp mắt, thanh trượt âm lượng cũng có sẵn tiện lợi, dễ dàng chuyển đổi nguồn âm thanh.
Nút Shutdown hệ thống trực quan, kể cả phím tắt chụp ảnh màn hình cũng được thiết lập sẵn cho người dùng sử dụng nhanh chóng lúc cần thiết.
2.3. Giao diện thích nghi (Adaptive)
Ubuntu Linux 22.10 được cập nhật giao diện mới dạng Adaptive (thích nghi) cực kỳ độc đáo, ngay cả hai hệ điều hành thương mại là MacOS và Windows 11 vẫn nên học hỏi Ubuntu Linux ở điểm độc đáo này.
Tuỳ vào độ lớn của cửa sổ ứng dụng, đặc biệt là các ứng dụng mặc định như trình quản lý file, cài đặt, các ứng dụng hệ thống, Ubuntu Linux sẽ tự động sắp xếp, lược bỏ hoặc thêm vào các yếu tố giao diện tương thích với kích thước cửa sổ bạn đang dùng, đúng với cái tên Adaptive (thích nghi).
Nói một cách dễ hiểu, nếu bạn thu nhỏ cửa sổ quản lý tập tin, Ubuntu 22.10 sẽ tự động lược bỏ thanh điều hướng bên trái, chỉ để lại cửa sổ đơn giản với các thư mục, tập tin.
2.4. Quản lý ổ đĩa tốt hơn
Giờ đây khi người dùng thực hiện việc theo dõi thông tin ổ đĩa, kể cả ổ USB cắm ngoài thì các thông tin về phần cứng sẽ hiển thị rõ ràng hơn như tổng dung lượng ổ đĩa, dung lượng đã sử dụng, dung lượng trống còn lại, tên ổ đĩa và định dạng hệ thống quản lý tập tin cũng được hiển thị rõ ràng.
2.5. App Spread
Giờ đây người dùng Ubuntu Linux 22.10 có thể dùng cử chỉ chuột như vuốt 3 ngón, 4 ngón trên trackpad để mở nhanh cửa sổ overview các ứng dụng trên màn hình thay vì chỉ có thể dùng nút Super (một phím tắt giống với phím Windows trên hệ điều hành của Microsoft).
2.6. Hỗ trợ định dạng ảnh WebP
Định dạng ảnh WebP đã trở nên phổ biến hơn những năm gần đây và Ubuntu 22.10 đã hỗ trợ định dạng ảnh này ngay trong trình quản lý tập tin của hệ thống, kể cả xem trước thumbnail của ảnh.
3. Lời kết
Bên cạnh đó thì Ubuntu Linux 22.10 cũng có nhiều thay đổi khác như nhân Linux 6.0, các công cụ Text editor mới, hiệu năng đồ hoạ nhanh hơn phiên bản cũ, bảo mật hơn…Người dùng muốn trải nghiệm có thể tải Ubuntu 22.10 tại đây.
Tham khảo từ Howtogeek.com
Xem thêm:
- Trên tay Linux Mint 21: Bản phân phối Linux tốt nhất nay càng tốt hơn
- 5+ tính năng trên Windows 11 mà bạn nên sử dụng
- Microsoft bất ngờ “nhá hàng” giao diện Windows 12
- Tìm hiểu về hệ điều hành Windows: Khái niệm, ưu nhược điểm, các phiên bản hiện tại
Di Động Việt