Có một sự thật mà bạn cần biết chính là khả năng chống nước của smartwatch mà các hãng đưa ra thường không thực sự chính xác. Thông số này được đúc kết chỉ từ các bài kiểm tra trong phòng thí nghiệm, vậy nên độ chính xác của nó trong điều kiện sử dụng thực tế thường sẽ có những sai lệch nhất định.
Bài viết này sẽ cung cấp thêm cho bạn một số thông tin để hiểu rõ hơn về ý nghĩa của những con số chỉ khả năng chống nước của smartwatch, từ đó bạn có thể sử dụng và bảo quản smartwatch đúng cách, đồng thời gia tăng trải nghiệm sử dụng và tuổi thọ của đồng hồ.
1. Hiểu về khả năng chống nước của đồng hồ
Xếp hạng khả năng chống nước được xác định bằng mức áp suất khí quyển mà một thiết bị có thể chịu được trong thời gian ngắn, cụ thể là tính theo phút, chứ không phải là theo ngày. 5ATM hay 50 mét nghĩa là mức độ chống chịu gấp 5 lần áp suất khí quyển mà thiết bị có thể hoạt động được, tương tự với 10ATM hay 100 mét, 20ATM hay 200 mét…
Nhiều mẫu smartwatch hiện có trên thị trường hầu hết đều sẽ có khả năng chống nước trung bình là 5ATM, nghĩa là đồng hồ có khả năng chống nước ở độ sâu 50 mét. Về cơ bản, mức độ chống nước này sẽ cho phép thiết bị hoạt động tốt với hầu hết các hoạt động dưới nước cơ bản.
Nhưng, như đã nói ở trên, khả năng chống nước được xác định bằng mức áp suất khí quyển mà một thiết bị có thể chịu được trong thời gian ngắn, tính theo phút chứ không tính theo ngày. Vậy nên, cách tốt nhất để sử dụng smartwatch dưới nước nhưng vẫn đảm bảo độ bền chính là chỉ nên sử dụng chúng dưới nước trong thời gian ngắn, tránh dùng đồng hồ dưới nước suốt một ngày dài.
Vậy, về các mức độ chống nước trên hoặc dưới 5ATM của smartwatch thì nên hiểu và sử dụng như thế nào để có thể đảm bảo đồng hồ vẫn hoạt động tốt và không ảnh hưởng đến độ bền của thiết bị?
Khả năng chống nước 3ATM (30 mét)
3ATM, hay khả năng chống nước 30 mét, thông thường sẽ là mức độ chống nước thấp nhất được trang bị trên smartwatch. Những mẫu smartwatch với khả năng chống nước 3ATM có thể được dùng trong các hoạt động tập luyện cũng như các hoạt động thể chất thông thường khác.
Với chỉ số 3ATM, smartwatch có thể “chịu được” các ảnh hưởng ví dụ như độ ẩm từ mồ hôi hoặc sử dụng dưới mưa (nhỏ), các hoạt động như làm vườn hay rửa tay (chén) dưới vòi nước. Tốt nhất là không nên dùng smartwatch với khả năng chống nước 3ATM để bơi lội, kể cả trong thời gian ngắn.
Khả năng chống nước 5ATM (50 mét)
Có rất nhiều mẫu smartwatch và smartband được trang bị khả năng chống nước 5ATM, điển hình như các mẫu smartwatch thuộc nhà Garmin, từ Forerunner 55 tầm trung trở lên đã được trang bị khả năng này, hay như HUAWEI Band 8, HUAWEI Watch GT4, hay Xiaomi Band 8… cũng được tích hợp khả năng này.
Khả năng chống nước 5ATM sẽ cho phép bạn sử dụng smartwatch hay smartband trong các hoạt động như bơi lội hay lướt sóng trong thời gian ngắn. Tất nhiên, vì đã có thể sử dụng để bơi lội, thì các hoạt động khác như sử dụng thiết bị dưới mưa, rửa chén, rửa xe, tắm cho thú cưng… và những hoạt động tương tự khác thì thiết bị đều có thể đáp ứng được.
Khả năng chống nước 10ATM (100 mét)
Một số dòng smartwatch cao cấp được trang bị khả năng chống nước 10ATM, hay chống nước 100 mét, có thể kể đến như dòng Garmin Fenix hay Epix, ví dụ như Fenix 7 Pro hay Epix Gen 2.
Với khả năng này, bạn có thể sử dụng thiết bị trong thời gian dài ở điều kiện môi trường ẩm ướt, đáp ứng tốt cho các hoạt động như lặn với ống thở, lặn tự do và các hoạt động tương tự khác.
Khả năng chống nước 15ATM đến 30ATM (150 mét đến 300 mét)
Không có nhiều mẫu smartwatch có khả năng chống nước cao hơn 10ATM, tuy nhiên có thể kể đến một số mẫu như G-Shock Move DWH560 (20ATM) và Coros Vertix (15ATM).
Các mẫu smartwatch hay thiết bị đeo được trang bị khả năng chống nước từ 15ATM đến 30ATM đã thuộc phạm trù đồng hồ lặn cơ học hạng nặng. Bạn có thể thoải mái đeo các thiết bị này trong bất kỳ hoạt động dưới nước khắc nghiệt nào, kể cả lặn biển sâu.
2. Tổng kết
Nhìn chung, smartwatch cũng chỉ là thiết bị được thiết kế với khả năng chống chọi các va đập hay va chạm thường gặp trong cuộc sống. Mặc dù vẫn có những trường hợp smartwatch vẫn hoạt động tốt dù bị ngâm nước hàng tháng trời được ghi nhận, thế nhưng đó chỉ là những trường hợp rất hy hữu và hiếm hoi, không được tính là tiêu chuẩn đủ để xem xét độ bền thực sự của một chiếc smartwatch được trang bị khả năng chống nước.
Để có thể tối ưu hóa khả năng hoạt động, trải nghiệm sử dụng và độ bền của smartwatch, bạn nên xem xét và tuân thủ theo những thông tin được đề cập ở trên.
Đặc biệt, nên tránh đeo smartwatch trong khi tắm rửa hay ngâm bồn, dù smartwatch của bạn có được trang bị mức độ chống nước cao tới đâu. Việc hạn chế ngâm nước hay tránh các môi trường ẩm không cần thiết sẽ giúp đảm bảo độ bền của smartwatch tốt hơn.
Cuối cùng, bạn cũng cần rửa lại đồng hồ với nước sạch sau khi sử dụng đồng hồ để lặn hay tắm biển hoặc sau khi sử dụng ở các vùng nước mặn khác, giúp tránh được tình trạng ăn mòn không đáng có.
Theo Wearable